Chúng ta đã biết,
tượng quẻ Càn là Trời. Tượng quẻ Càn đi vào thơ Việt như thế nào, tôi
mời bạn thưởng thức hương vị cảm xúc quẻ Càn trong bài thơ “Cái cối xay”
của nhà thơ Lê Thánh Tông (1442-1497):
Thóc lúa kho trời vẫn sẵn đây
Tạc thành cái cối để mà xay
Thu tàng châu ngọc tư mùa đủ
Chuyển vận âm dương một máy xoay
Đất phẳng nổi đùng cơn sấm động
Vừng to vung té hạt mưa bay
Đem tài xoay xỏa ra tay giỏi
Lợi dụng cho dân đủ tháng ngày
Nhìn ngắm cái cối xay, cảm xúc của nhà thơ “thiên tử” (con Trời) bỗng
hình dung ra sự xoay chuyển của vũ trụ, mà Trời là chủ thể: Thóc lúa kho
trời, thu tàng bốn mùa, chuyển vận âm dương, đất bằng nổi sấm, xoay vần
gió mưa, ngày tháng nuôi dân.
Nhà thơ Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều (1741-1798) có hai bài thơ vui “Trời nói”, “Trời bảo”, xin trích một bài:
Cao cao xanh ngắt, ấy là tao
Dẫu pháo thăng thiên đã tới nào
Nhắn bảo trần gian cho nó biết
Tháng hai tháng tám, tớ mưa rào
...............………………..…..(Trời bảo)
Ngày xưa dân ta làm pháo cho bay lên trời gọi là pháo “thăng thiên”.
Trời bảo cho mà biết, chả ăn thua gì đâu, cứ coi đến tháng hai tháng tám
thì biết, sẽ có mưa rào đấy. Bài thơ này nhỏ nhẹ vậy thôi, mà xem ra
nói với các nhà khoa học NASA (Mỹ) bắn tên lửa vũ trụ ngày nay vẫn đúng
(bắn được một quả đạn đại bác vào sao chổi thực đấy, nhưng xem ra vẫn
như con muỗi đốt mà thôi). Trời ở đây là tượng quẻ Càn, vì ông trời tuy
cao xa thần thánh như vậy, nhưng vẫn gần gũi với nhân gian, thậm chí
xưng tao, tớ với con người. Minh triết của bài thơ là Trời cao xanh ngắt
vẫn gần gũi với con người, ban phúc cho con người. Một minh triết thứ
hai truyền kiếp truyền đời cho con người: Hãy tìm hiểu và hòa mình vào
vũ trụ, nhưng đừng mong “tới” được vũ trụ.
Nhà thơ Trần Tế Xương (Tú Xương) (1869-1906) có bài “Trách bạn”:
Đã nghĩ làm sao, nghĩ chửa tròn
Trông trời dưới giếng, tưởng trời con
Rầy xin ngửa mặt trông lên nhé
Trời rộng mênh mông khắp nước non
Cái tiềm ẩn trong bài thơ như “đùa” này là mệnh đề “nghĩ chửa tròn”
khiến ta nhớ tượng trời trong Hà đồ, Lạc thư: Trời tròn đất vuông; mệnh
đề “ngửa mặt trông lên” khiến ta nhớ câu trong Kinh Dịch: Vua Phục Hy
ngửa xem tượng trời, cúi xem phép tắc dưới đất, xem các văn vẻ của chim
muông cùng những thích nghi của trời đất… rồi mới làm ra Bát quái để
thông suốt cái đức của thần minh và phân loại các tính của vạn vật. Minh
triết trong bài thơ này là ở câu: Trông trời dưới giếng, tưởng trời con.
Tiến sĩ vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận (sinh 1948 tại Hà Nội) là giáo
sư tại Đại học Virginia, Hoa Kỳ, tác giả nhiều tác phẩm nổi tiếng phổ
biến về Vũ trụ học, viết một đoạn minh triết như sau, khiến chúng tôi
liên tưởng tới tượng quẻ Càn:
“Tự nhiên không hoàn toàn câm lặng. Như một dàn hòa tấu xa xôi, nó luôn
luôn gửi đến chúng ta những đoạn nhạc và những nốt rời rạc. Nhưng nó lại
không muốn bày lên đĩa và trao cho chúng ta toàn bộ. Còn thiếu một giai
điệu hợp nhất các đoạn nhạc đó. Sợi dây dẫn các nốt nhạc còn được ẩn
giấu. Và chúng ta có nhiệm vụ phải khám phá những bí mật của cái giai
điệu bị che giấu ấy, để có thể nghe được một cách trọn vẹn trong toàn bộ
vẻ đẹp rực rỡ của nó”.
Cái giai điệu bí ẩn ấy là gì, nếu không phải là 64 quẻ Dịch, đứng đầu là
quẻ Càn, mà chúng ta đã tìm thấy những dấu ấn trong minh triết Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét