Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

Chương 1 quyển 10: Khẩu quyết xem mệnh - Phần 1



Theo quan điểm của phần này, Nguyệt lệnh là nội dung quan trọng nhất trong tất cả các yếu tố luận mệnh. Ngoài ra, sự trung hòa của ngũ hành, sbiến đổi của vận khí cũng là nội dung đáng chú ý trong luận mệnh. Những trình bày mang tính quy luật này của tác giả bắt nguồn từ sự tích lũy kinh nghiệm thực tế qua nhiều đời, là sự tinh túy và đạo lý quan trọng của luận mệnh.

 
1. NGUYỆT LỆNH LÀ QUAN TRỌNG NHẤT

Khi xem mệnh, trước hết cần xem trong chi tháng có Tài tinh và Quan tinh hay không, sau đó mới xem tới các nội dung khác. Nguyệt lệnh chính là vận mệnh chính trong mệnh cục, đóng vai trò mang tính quyết định đối với cuộc đời. Xem trụ tháng dựa vào chi thần, xem trụ năm dựa vào thiên can, xem trụ ngày dựa vào thiên can, xem lưu niên dựa vào thiên can, xem đại vận dựa vào chi thần. Xem mệnh lấy tháng làm gốc, tức là nền tảng của con người, lấy ngày làm chính, tức là đại diện cho cơ thể con người. Nếu trong trụ tháng có Chính Quan và Thiên Quan, mà trong trụ giờ lại nhập vào cách cục khác thì chỉ lấy trụ tháng làm chuẩn, còn cách cục khác không có tác dụng gì. Nếu nguyệt lệnh vô dụng mới xem tới cách cục khác. Đây chính là đạo lý được nhắc tới trong "Cổ ca": "Tam cung đới cách hỗn nan tường; Bất hiểu bình thuỳ thị quý phương. Nhất nhiệm tam cung giai đới cách; Trừ phi chỉ đắc dụng đề cương" (Ba cung cách cục lộn xộn, không rõ ràng, không biết dựa vào phương nào là quý. Nếu như ba cung đều mang cách cục, trừ khi chỉ được dùng đề cương).

Nguyệt lệnh lấy địa chi làm nền tảng để xem mệnh, nếu trong mệnh có Quan tinh thì cần xuất hiện ở trên, dưới, giữa can chi mới là tốt nhất. Quan tinh hiện rõ trong can, không rõ trong chi thì cho thấy người này thông minh, tuấn tú. Song trong mệnh kỵ nhất là can chi của trụ năm tương xung với can chi của trụ giờ. Chi tháng, chi ngày tương xung thì không gây trở ngại gì tới vận mệnh, song sẽ gặp tai nạn nếu đại vận và Tuế quân tới xung chi tháng.

2. PHÁN ĐOÁN DỰA THEO CHÍNH QUAN, THẤT SÁT VÀ TÀI TINH

Nếu Tứ trụ trong mệnh chỉ có một Chính Quan là mệnh quân tử, quý nhân, là người đôn hậu, thật thà, quang minh, chính trực. Lại thêm trụ năm, trụ giờ có Ấn thì càng tốt, song nếu Quan nhiều thì lại không tốt, cho thấy là tướng bại; nếu trong Tứ trụ toàn là Quan thì cả đời sẽ chỉ có hư danh làm quan.

Nếu Tứ trụ trong mệnh cục chỉ có một Thất Sát thì cho thấy người này thông minh lanh lợi; nếu có hai hoặc ba Thất Sát thì lại là người minh mẫn trước mà hồ đồ sau; nếu trong Tứ trụ đều là Thất Sát, Thất Sát được chế phục thì cho thấy là người tôn quý; còn Thất Sát không được chế phục là người nghèo hèn.

Nếu trong Tứ trụ có một Tài tinh, cần xem liệu có đắc thời không, cũng chính là được Nguyệt lệnh sinh vượng, nếu được giờ Tài sẽ là người phú quý, có thể thành gia lập nghiệp, tuy nhiên sẽ là người tính tình nóng nảy; nếu có hai Tài tinh thì tính nóng nảy sẽ giảm một nửa; nếu có ba, bốn Tài tinh thì khí hao, cơ thể suy yếu. Nếu thân (can ngày) đặc biệt cường vượng thì có thể thành gia lập nghiệp, còn thân yếu sẽ có cuộc sống vất vả, khốn khó.

Nếu trong Tứ trụ có ấn thì dù là một, hai hay ba, bốn đều tốt, song trong mệnh cục không hợp gặp "Tài phá Ấn". Thông thường nếu hành vận tốt, can ngày làm tổn thương đến can của Tuế quân lưu niên thì gặp tai họa nhẹ; nếu hành vận không tốt, can ngày làm tổn thương can của Tuế quân thì gặp tai họa nghiêm trọng. Nếu tai nạn đã xảy ra thì tử vong là điều chắc chắn.

3. PHƯƠNG PHÁP KHẮC CHẾ KHI TƯƠNG XUNG

Thìn, Tuất, Sửu, Mùi trong Bát tự đều có 3 phần dư khí, như hành Ngọ vận tới Mùi có 3 phần Hỏa khí, hành Tý vận tới Sửu có 3 phần Thủy khí thì không thể coi là Thổ hoàn toàn. Nếu là cách cục Dương Nhẫn thì lưu niên và đại vận sợ nhất xung hợp. Nếu can năm hợp với can ngày giờ là Hối khí sát; can chi ngày giờ giống với can chi lưu niên là Chuyển chỉ sát. Chẳng hạn như ngày Canh Thân gặp Thái Tuế Canh Thân hoặc Thái Tuế Canh Dần, nhẹ thì đổ nhà phá sản, nặng thì phải rời bỏ gia đình tới nơi xa.

Nếu trong trụ năm, trụ tháng, trụ ngày có cát thần thì can chi của trụ giờ phải được ở chỗ sinh vượng; nếu trong trụ năm, trụ tháng, trụ ngày có hung thần thì trụ giờ phải ở chỗ chế phục; nếu trụ giờ có cát thần hoặc hung thần thì cũng cần xem tình trạng của trụ năm, trụ tháng, trụ ngày, cát thì ở chỗ sinh vượng, mà hung thì ở chỗ chế phục. Nếu trụ tháng có dụng thần thì sẽ có được sự giúp đỡ của tổ tiên, nếu trụ giờ có dụng thần thì sẽ có được sự giúp đỡ của con cháu, ngược lại thì sẽ không được như vậy. 
4. VẬN DỤNG THIÊN NGUYÊN VÀ ĐỊA NGUYÊN

Khi xem mệnh, cần dùng can ngày làm Thiên nguyên, tức là lấy can làm Lộc; đồng thời dùng chi ngày làm Địa nguyên, tức là lấy chi làm mệnh. Ví dụ ngày Nhâm Quý, tháng Kỷ Mùi, trong can chi xuất hiện Tài tinh và Quan tinh; Tài và Quan phải xét đến "nguyên hữu" (vốn có) hay "nguyên vô" (vốn không có), địa chi vốn có Tài Quan, trong thiên can lại không hiển lộ thì không cần xét đến; nếu địa chi không có Tài Quan, chỉ có thiên can hiển lộ ra, thì tuy hành vận tốt, song không làm nên việc gì. Xem lưu niên Tuế quân, chỉ dùng Thiên nguyên. Nếu xem hành vận tuy có chú trọng tới địa chi, song vẫn cần xem đại vận Thiên nguyên nhập mệnh. Nếu trong Tứ trụ hoặc có Quan tinh, hoặc có Thiên Quan, hơn nữa lại bị chế phục quá nhiều mà thiên can của đại vận xuất hiện Quan Sát thì có thể phát; địa chi của đại vận không có Tài, mà thiên can là Tài thì có thể được phúc vận; nếu địa chi của đại vận không có Sát, mà thiên can là Sát thì sẽ gặp họa.

5. TÀI TINH VÀ QUAN TINH

Xem mệnh nên lấy tháng sinh của con người làm Nguyên vận, sợ nhất là đại vận và Tuế quân tới xung, mang theo tai họa. Còn cần lấy cái sinh ra Quan tinh làm Lộc nguyên, sợ nhất là bị xung phá. Chẳng hạn như người sinh vào ngày Đinh, lấy Nhâm làm Quan, mà sinh vào tháng Hợi, trong Hợi có Nhâm là Lộc của Đinh, nếu trụ năm và trụ giờ có chữ "Kỷ" thì sẽ xung phá Lộc nguyên. Ngoài ra còn cần lấy cái sinh ra Tài tinh làm Mã nguyên, sợ nhất là cướp đoạt. Chẳng hạn như người sinh vào ngày Canh, lấy Giáp Ất Mộc làm Tài, mà sinh vào tháng Dần, Mão, Giáp Mộc trong Dần là Thiên Tài, Ất Mộc trong Mão là Chính Tài. Nếu trong trụ năm, trụ giờ có chữ "Tân" thì sẽ gặp họa cướp bóc, tranh giành, Tuế vận tới xung cũng suy như vậy. Nếu can năm có Quan tinh của can ngày thì lại được phúc khí dày nhất. Nếu can năm có Thất Sát của can ngày thì đến cuối đời cũng không trừ bỏ được Sát. Quan tinh là Lộc, Tài tinh là Mã, hành Quan vận thì có thể thăng quan, hành Tài vận thì có thể phát tài, Tài tinh và Quan tinh đều không thể thiếu. Nếu trong trụ năm, trụ tháng của mệnh có cả Tài và Quan thì chắc chắn sẽ được sinh trong gia đình phú quý. Dựa vào tài sản tổ tiên để lại mà hành quan lộc vận ngay từ nhỏ. Thông thường sẽ làm quan ngay khi còn ở tuổi ấu thơ, có được công danh từ rất sớm. Nếu trong trụ năm, trụ tháng không có Tài Quan, mà trong trụ ngày, trụ giờ có Tài Quan thì có thể thành gia lập nghiệp dựa vào bản thân.

Trong mệnh lấy Tài tinh, Quan tinh làm gốc rễ, nếu trong Tứ trụ có Tài tinh hoặc Quan tinh thì có thể phát phúc. Nếu Tứ trụ vốn không có Quan tinh, lại không nhập cách cục khác, can chi trong trụ nhiều Tài, lại hành vận Tài vượng thì cũng có thể thành công. Do Tài vượng thì có thể sinh Quan, song cần thân kiện vượng thì mới có thể thành công. Nếu trong trụ tháng, năm không có Tài, Quan, thì thủa nhỏ không hành vận tốt, thông thường có xuất thân hèn kém, phá bại cơ đồ tổ tiên,làm tổn thương cha, không thể tạo phúc. Nếu trong mệnh Quan, Sát hỗn tạp, Thương Quan hợp thần trùng trùng, là nam thì say mê tửu sắc, là nữ thì cưới xin không qua mai mối.

6. CAN NGÀY VÀ NGUYỆT LỆNH

Khi xem mệnh nên phán đoán chủ yếu dựa vào can ngày, lấy đó làm căn cứ chính, lấy thứ được tháng sinh sử dụng làm mệnh, chẳng hạn Nguyệt lệnh lấy Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ làm dụng, song cần phân tích cụ thể dựa vào tiết khí trước sau, mức độ nặng nhẹ nông sâu, bố cục hình thành, phá xung của Nguyệt lệnh; tham khảo dựa vào lục pháp Quan, Ấn, Tài, Sát, Thực thần, Thương thần. Trong mệnh gặp Quan thì xem Tài, gặp Sát thì xem Ấn, gặp Ấn thì xem Quan. Quan, Tài, Sát, Ấn không thiên lệch, sinh khắc chế hoá thì tốt nhất, còn nếu gặp phá, hại, hưu, tù là xấu nhất. Vận trong mệnh có sinh, có khứ là phúc; có trợ giúp, có cướp đoạt là họa. Cũng có dùng chi năm, chi ngày, chi giờ hợp thành cách cục, song cần dùng Nguyệt lệnh. Nếu Nguyệt lệnh dùng Kim thì chỉ dùng Kim, Nguyệt lệnh dùng Hỏa thì chỉ dùng Hỏa. Trong 18 cách cục của mệnh thì chọn ra 6 cách cục làm trọng tâm, dựa vào nguyên lý Ngũ hành tương sinh để định cách hợp cục, suy đoán mức độ nặng nhẹ, nông sâu dựa vào chi năm, ngày, giờ. Ví dụ gặp Quan dùng Ấn không sợ Sát, bởi vì Ấn của Sát cục, thân của Ấn cục là thượng cục có thể chọn dùng. Gặp Ấn xem Sát, tuy nhiên có Quan, Sát tồn tại, mệnh hành tới nơi Quan, Sát thì cũng được luận là mệnh phú quý. Nguyệt lệnh thông Quan, trong trụ gặp Tài, Tài vượng tức có thể sinh Quan, bởi vậy được xem là phú quý. Nếu trong trụ thấy Tài thì cần nhập vận Tài vượng, mới có thể phát phúc. Tuy nhiên, nếu trong trụ xuất hiện một Sát thì lại cần dùng Sát làm trọng tâm phán đoán, không thể phán đoán dựa vào Tài. Nếu hành vận Tài vượng thì phán đoán là nghèo hèn do Tài sinh Sát nhiều. Thông thường, phán đoán cách cục trong mệnh dựa vào Sát là chính.

7. CAN CHI KHÔNG XÂM PHẠM NHAU

Khi xem mệnh trước hết cần xem can thần khắc chế hay không, chi thần hình xung hay không, can chi nạp âm có đấu tranh, hàng phục hay không. Ví dụ Giáp lấy Dần làm Lộc, cần xem can ở Dần là gì. Giáp lấy Tân làm Quan thì lại cần xem chi của Tân là gì. Nếu can không phạm vào chi là thiên tôn quý. Chi không phạm vào can là địa nghèo hèn. Ngũ hành không xung hại lẫn nhau thì mệnh thuận lợi. Nếu tứ mạnh Dần, Thân, Tỵ, Hợi không tương hại thì Mã có thể phi nhanh. Nếu can phạm vào chi, chi phạm vào can thì Ngũ hành xung hại lẫn nhau. Cũng cần xem xét bản chủ có khí hay không, có ích hay không, có được cứu hay không, có thành cách cục hay không. Can chi trong Tứ trụ đan xen phức tạp, Ngũ hành biến đổi thì tạo hóa cũng sẽ ở trong đó.

Nhà mệnh lý học thời Đường Lý Thuần Phong từng nói: Ngũ hành sinh vượng thì có thể nhìn thấy sự qua lại của phúc khí. Ngũ hành tử tuyệt thì lại cần cầu cứu tới sự trợ giúp của cát thần. Ngũ hành can ngày vượng, nạp âm tương sinh, thì dù không có sự trợ giúp của cát thần cũng vẫn sẽ tôn quý. Ngũ hành không có khí, nạp âm xâm phạm lẫn nhau thì dù có cát thần cũng vẫn nghèo hèn.

8. THIÊN NGUYÊN VÀ ĐỊA NGUYÊN

Thiên nguyên trong mệnh ưa Địa nguyên có lộc, ví như Giáp Kỷ thích tứ quý, Ất Canh thích Thân Dậu, Bính Tân thích Hợi Tý, Đinh Nhâm thích Dần Mão, Mậu Quý thích Tỵ Ngọ. Địa nguyên trong mệnh lại thích Thiên nguyên có hợp, ví như Tý Sửu thích Mậu; Dần thích Kỷ, Mão Thìn thích Canh, Tỵ thích Tân Quý, Ngọ Mùi thích Giáp Nhâm, Thân thích Ất, Dậu Tuất thích Bính, Hợi thích Đinh. Nếu Thiên nguyên trong mệnh có hợp, Địa nguyên trong mệnh có lộc thì chủ cả đời hưởng phúc khí sâu dày; song nếu trong mệnh Thiên nguyên không hợp, Địa nguyên không có lộc thì cả đời không làm nên trò trống gì. Nếu Thiên nguyên trong mệnh xấu thì cho thấy khó có được danh lợi trước 39 tuổi. Nếu Địa nguyên trong mệnh xấu thì cho thấy phúc khí giảm sút sau 40 tuổi. Nếu Thiên nguyên trong mệnh đẹp thì có thể được lộc của Địa nguyên, như Quý được Tý, Giáp được Dần, không quý thì phú. Địa nguyên trong mệnh kỵ nhất Thiên nguyên tương khắc, như Tý Sửu kỵ Kỷ, Dần kỵ Canh, Mão Thìn kỵ Tân, Tỵ kỵ Giáp Nhâm, Ngọ Mùi kỵ Ất Quý, Thân kỵ Bính, Dậu Tuất kỵ Đinh, Hợi kỵ Mậu. Còn cần xem hợp gì và kỵ gì, chứ không được đoán mệnh chỉ dựa vào một phương diện.

9. PHÁN ĐOÁN CAN CHI VÀ NẠP ÂM

Phần này nói rõ, khi xem mệnh có thể phán đoán dựa vào can chi và nạp âm cùng loại. Như Nhâm Tý, Nhâm Ngọ là Chân Mộc, Kỷ Dậu, Kỷ Mão là Chân Thổ, Bính Tý, Bính Ngọ là Chân Thủy, Mậu Tý, Mậu Ngọ là Chân Hỏa, Ất Sửu, Ất Mùi, Canh Thìn, Canh Tuất là Chân Kim; hay như ngày Ất Dậu, giờ Canh Thìn là Tinh Kim, ngày Đinh Tỵ, giờ Bính Ngọ là Tinh Hỏa, ngày Quý Hợi, giờ Nhâm Tý là Tinh Thủy, ngày Kỷ Sửu, giờ Mậu Thìn là Tinh Thổ, ngày Giáp Dần, giờ Đinh Mão là Tinh Mộc, trong mệnh gặp bất cứ loại nào đều đại diện cho mệnh phú quý; nếu người mệnh Hỏa sinh vào ngày Bính, giờ Tân hoặc ngày Tân, giờ Bính, người mệnh Mộc sinh vào ngày Giáp, giờ Kỷ hoặc ngày Kỷ, giờ Giáp, người mệnh Thổ sinh vào ngày Mậu, giờ Quý hoặc ngày Quý, giờ Mậu, người mệnh Thủy sinh vào ngày Nhâm, giờ Đinh hoặc ngày Đinh, giờ Nhâm, người mệnh Kim sinh vào ngày Canh, giờ Ất hoặc ngày Ất, giờ Canh thì tuy đều là Ngũ hành chân quý, song do có sự xâm phạm nghiêm trọng nên phúc khí trong mệnh sẽ giảm đi.

10. ĐOÁN MỆNH DỰA VÀO NGŨ HÀNH CHÂN KHÍ

Đoạn này cho thấy, khi xem mệnh có thể phán đoán dựa vào tác động qua lại của Ngũ hành chân khí. Chẳng hạn, người mệnh Tân Hợi Kim được Đinh Tỵ Thổ, có Đinh Nhâm hợp Chân Mộc qua lại, có Bính Tân hợp Chân Thủy qua lại. Người mệnh Đinh Tỵ Thổ được Quý Hợi Thủy, có Mậu Quý hợp Chân Hỏa qua lại, có Đinh Nhâm hợp Chân Mộc qua lại. Hay như Mậu Tuất, Quý Hợi, Đinh Tỵ, Tân Hợi có chân khí giao nhau thì đều là mệnh Tể tướng. Mậu Ngọ Hỏa được Nhâm Tý Mộc, trong đó có Đinh Nhâm Chân Mộc, Mậu Quý Chân Hỏa; Bính Thân Hỏa được Ất Dậu Thủy, trong đó có Bính Tân Chân Thủy, Ất Canh Chân Kim; Canh Dần được Kỷ Mão Thổ, trong đó có Giáp Kỷ Chân Thổ, Ất Canh Chân Kim. Hay như Canh Dần, Kỷ Mão giao nhau là mệnh đại thần hai phủ.


11. SUY ĐOÁN SỰ BIẾN ĐỔI CỦA VẬN KHÍ

Khi xem mệnh, trước hết cần suy đoán sự biến đổi của vận khí. Trong "Ngũ vận thiên" cho rằng, nếu lấy Giáp Bính Mậu Canh Nhâm hợp 5 can âm là thái quá (quá nhiều), Ất Đinh Kỷ Tân Quý hợp 5 can dương là bất túc (còn thiếu), giữa thái quá và bất túc lại có sự biến đổi. Trong "Thiên nguyên biến hoá thư" lại phân ngày và đêm, như người lục Giáp sinh vào ban ngày thì dùng Thủy, sinh vào ban đêm lại dùng Thổ, bởi vậy người lục Mậu được Giáp, nếu sinh vào ban ngày là quỷ, còn sinh vào ban đêm lại là Quan. Người lục Ất, sinh vào ban ngày thì dùng Kim, sinh vào ban đêm dùng Mộc. Bởi vậy người lục Kỷ gặp Ất, nếu sinh ban ngày là Quan, sinh ban đêm lại là quỷ. Trong đó chỉ có Lục kỷ, lục Canh là không thay đổi, bởi vậy 5 can dương sinh vào ban ngày là bản thể, sinh vào ban đêm thì suy đoán theo biến hoá. Còn 5 can âm sinh vào ban đêm là bản thể, sinh vào ban ngày thì suy đoán theo sự biến hoá. Sáu loại mệnh dương của nam giới gặp Lộc quỷ, Đảo thực thì cần sinh vào ban đêm để biến hung thành cát, gọi Quỷ là Quan, Đảo thực là hỉ thần tới để phán đoán, tuy nhiên cần sinh vào ban ngày mới thuận. Sáu loại mệnh âm của nam phạm Lộc quỷ, Đảo thực, cần sinh vào ban ngày để biến hung thành cát, còn lại suy luận giống như trên. Tuy nhiên, cần sinh vào ban đêm mới thuận. Nếu là mệnh nữ thì cần làm ngược lại với cách của mệnh nam để cầu lành dữ, họa phúc. Khí tượng ngày đêm như vậy là biểu hiện cụ thể của âm dương phối hợp, cương nhu hòa hợp.

12. TRỢ KHÍ VÀ ĐẠO KHÍ

Ngũ hành sinh khắc trong mệnh sẽ phản ánh vận mệnh khác nhau. Nếu Ngũ hành trong mệnh là dưới sinh trên thì gọi là trợ khí, đại diện cho người này cả đời được hưởng phúc khí. Nếu Ngũ hành trong mệnh là trên sinh dưới thì gọi là đạo khí, cho thấy người này cả đời tạo phúc khí cho người khác. Ngũ hành trong mệnh là trên khắc dưới thì gọi là thuận, cho thấy người này có uy thế, có thể lãnh đạo và chỉ huy người khác. Nếu Ngũ hành trong mệnh là dưới khắc trên thì gọi là nghịch, cho thấy người này cả đời ngưng trệ, khó mà làm nên kỳ tích, nếu rơi vào nơi tử tuyệt thì tình hình càng tồi tệ, còn rơi vào nơi sinh vượng thì lập nên thành tích không đáng kể, hơn nữa khá chậm. Nếu nạp âm trong Tứ trụ nhiều Quỷ thì cho thấy tình trạng của bản thân hiện tại là "Quan tinh quá vượng". Nếu nạp âm trong Tứ trụ nhiều Tài thì cho thấy bản thân không có khí, gọi là "Tài nhiều làm hại thân".

Ngũ hành trong mệnh cục quý nhất là âm dương cân bằng, thái quá và bất cập đều không tốt. Chẳng hạn, lưỡng Kim gặp lưỡng Mộc, lưỡng Hỏa kiêm lưỡng Thổ hoặc gặp lưỡng Thủy thì đều tự thành tượng là cát tượng. Nếu thái quá hoặc bất cực, như tam Thủy nhất Mộc, nhất Thủy tam Mộc đều không thể là mệnh phúc. Nếu người mệnh Kim có Ngũ hành là tam Kim nhất Mộc, Kim khắc Mộc là Tài, tam Kim tranh nhất Mộc, là tranh nhau phúc, đa phần đại diện cho tài vật không được như ý. Nếu là nhất Kim tam Hỏa, Hỏa nhiều Kim ít thì sức nung quá lớn, sẽ đại diện cho cả đời vất vả, lận đận, không lúc nào an nhàn. Hay như người Giáp gặp tam Nhâm tam Kỷ, gọi là "tam thôn tam ngẫu", đại diện cho không may mắn. Nếu gặp lưỡng Kỷ lưỡng Canh là "trọng ngẫu trọng thương", càng dữ hơn "tam thôn tam ngẫu", cho thấy người này cả đời không nghèo đói thì cũng chết yểu. Mọi trường hợp khác cũng suy luận như trên.

13. TIẾN KHÍ VÀ THOÁI KHÍ

Phần này đề cập tới cát hung trong mệnh sau khi Quan, Sát, Tài, Ấn gặp nhau, đồng thời nhấn mạnh rằng cần phải phân tích kỹ lưỡng, không thể suy luận cát hung một cách võ đoán. Nếu trong mệnh cục Thương Quan gặp Quan tinh thì mệnh chủ đoản mệnh, chết sớm; nếu Thất Sát gặp Tài tinh thì mệnh chủ chết yểu; nếu Tài tinh gặp Kiếp Tài thì chủ về chết, nếu có lưỡng Tài phá Ấn là hung. Ngũ hành trong mệnh có Thủy vượng mà Mộc yếu thì cuối cùng sẽ chết nơi đất khách quê người. Nếu Thực thần gặp Kiêu thần sẽ chết nơi tù ngục. Nếu Kiếp nặng gặp Tài tử thì sát vượng mà cái gốc lại kém. Nếu gặp Vong thần Thất Sát tương xung hoặc tương hình thì dù không bị đày đi nơi xa thì cũng sẽ bị chết ở chốn lao tù. Nếu Thương Quan, Dương Nhẫn đi liền với nhau thì tuy được toàn thây, song sẽ chết do gặp họa đổ máu. Nếu Tài tinh gặp Dương Nhẫn thì đại diện cho thiệt mạng, hao tài. Sinh vượng tử ở mộ khố, mộ khố tuyệt ở sinh vượng, về già thấy có vận lành tới, vận dữ chưa tới thì suy đoán cái chết ra sao? Có vận dữ tới, vận lành chưa tới thì suy đoán phát phúc ra sao? Cần xem là tiến thần hay thoái thần, đã xảy ra hay chưa xảy ra. Điều sắp tới thì sẽ nhanh chóng tới, điều đã qua thì sẽ quay về. Tuế vận cả đời toàn là năm dữ, cho thấy đoản thọ, chết sớm. Tuần cuối cùng, mệnh tinh ở vào nơi sinh vượng thì tuổi thọ sẽ cao. Tuổi già kỵ ở nơi sinh vượng, tuổi trẻ kỵ ở nơi tử tuyệt. Dương Nhẫn gặp sinh phần nhiều chết thảm, sát có gốc rễ ở nơi đất vượng thì vận dữ sẽ kết thúc. Xuân vượng Hỏa nhiều, nên tới vùng tây bắc có Kim Thủy, tại nơi mộ khố là chốn quay về. Hạ tăm tối Kim vượng, nên tới phía đông nam - nơi đất Quỷ cũng là đất thọ. Tứ Nhẫn tinh nặng, nếu hành đại vận Chính Tài thì chắc chắn sẽ chết. Trong mệnh chỉ có một Quan tinh, gốc rễ nông cạn, trong vận gặp Dương Nhẫn thì khó sống.Tứ trụ đều bị tổn thương thì con người sẽ chết. Người có Kim thần cách nếu hành Thủy vận sẽ gặp họa chết đuối; gặp Dương Nhẫn đảo qua, sẽ làm Quỷ không đầu; gặp Sát tinh chồng chất thì chết không toàn thây. Chế phục đạt tới mức độ trung hòa, song Sát tinh rất đầy đủ thì sẽ chết vì giận dữ. Tứ trụ được sinh trợ quá nhiều, lại gặp hành vận vượng Ấn thì cuộc đời chấm dứt. Thương Quan cách mà hành vận mộ, thì sẽ chết, xem cục thế cuối đời nên xem chỗ này. Nơi dương sinh ra là nơi âm chết đi; nơi âm sinh ra là nơi dương chết đi. Nếu Thất Sát trong mệnh gặp tam hợp, thái quá sẽ đổ. Nên suy đoán dựa vào sự tiêu trưởng của Ngũ hành trong trụ.

14. NGŨ HÀNH TRONG MỆNH CÂN BẰNG LÀ TỐT NHẤT

Ngũ hành trong mệnh quá nhiều (thái quá) hoặc quá ít (bất cập) tuy không thể xem là phúc, song cũng sẽ có sự khác biệt nho nhỏ. Như Thủy và Thổ không kỵ tử tuyệt, bởi lẽ trong trời đất ngập tràn nước và đất bất luận là mùa nào thì Thủy và Thổ đều không lo tử tuyệt. Tuy nhiên, cần phân biệt mức độ nặng nhẹ. Chẳng hạn như một giọt nước rơi vào giữa vùng đất rộng thì sẽ nhanh chóng tiêu tan, một nắm đất nhỏ dùng để chặn dòng nước chảy xiết thì sẽ bị nước cuốn trôi. Bởi vậy dù s lượng nhiều ít ra sao, cũng cần phân rõ mức độ nặng nhẹ. Kim không có Thổ thì không sinh, Mộc không có Thủy thì không phát triển. Bởi vậy muốn Kim Mộc sinh vượng thì sợ nhất là gặp tử tuyệt. Nếu Kim tử là bị chôn vùi, Mộc tử sẽ biến thành tro tàn, chúng khác với Thủy và Thổ. Hỏa tàng trong Mộc, ẩn trong Thổ, bởi vậy không tham cầu vượng, bởi lẽ quá vượng sẽ thiêu trụi Mộc; cũng không thích tử, vì tử thì Hỏa sẽ tắt, chỉ có cân bằng mới là tốt nhất. Thủy, Thổ trong Ngũ hành đều cần nương tựa, đặc biệt là mệnh Mộc, Kim, Hỏa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét