▅▅ ▅▅
▅▅▅▅▅
▅▅▅▅▅
▅▅ ▅▅
▅▅ ▅▅
▅▅▅▅▅
Tùy là Thuận theo (theo hoàn cảnh). Tượng quẻ là trong Đầm có Sấm.
Theo nhau: rất hanh thông, nhưng phải chính đáng thì mới có lợi, không
lỗi.
NHL giảng: Đoài ở trên là vui vẻ, Chấn ở dưới là động, đó là cái tượng
hành động mà được mọi người vui theo. Lại có thể hiểu Chấn là Sấm, Đoài là Đầm
(chằm), sấm động ở trong đầm, nước đầm theo tiếng sấm mà cũng động, cho nên gọi
là Tùy (theo).
Các nhà nghiên cứu uyên thâm đều nhấn mạnh: Theo nhưng phải có điều kiện
thì mới thuận. Điều kiện ấy là sự chính đáng, bền bỉ. Khổng Tử nhấn thêm: Theo
mà phải đúng Thời mới được (Tùy Thời). Ví dụ Trung Quốc, thời Hán, Vương Mãng
cũng đã muốn làm một cuộc cách mạng xã hội, rất công bằng, tốt. Nhưng thời đó sớm
quá, nên thất bại. Tới đời Tống, Vương An Thạch cũng thất bại, do không hợp Thời.
Khổng Tử đã thốt lên: Cái nghĩa Tùy Thời lớn vậy thay. Lời tượng: Người quân tử
coi quẻ này mà khi buổi tối, đêm đến nên đi vào sự yên nghỉ. PBC giảng: Nước chằm
(đầm) theo tiếng sấm mà động, ấy là tượng quẻ Tùy. Quân tử xem tượng ấy tùy thời
mà động tĩnh, thời nên động mà động, là ban ngày; thời nên tĩnh mà tĩnh là ban
đêm; (lời tượng nói) tới buổi đêm đi vào an nghỉ, cũng là một công việc tùy thời
của người quân tử. Sấm có sấm động, sấm tĩnh. Tục ngữ ta có câu: Tháng mười sấm
rạp, tháng chạp sấm ra. Xuân Hạ thì sấm phát thanh, Thu Đông thì sấm thu thanh,
đó là lẽ trời, quân tử động tĩnh tùy thời, đó là bắt chước lẽ trời vậy. Nói tới
buổi đêm đi vào an nghỉ là cách nói sơ sài, gần gụi để nói cái lớn hơn là Tùy
Thời mà thôi.
Hào 1 dương
Chủ trương thay đổi, hễ chính thì tốt, ra ngoài giao thiệp thì có công.
NHL giảng: Chu Hy hiểu lời Chu công (tác giả Lời hào) là chủ trương thay đổi.
PBC hiểu là cái thế của mình thay đổi. Vì hào 1 là dương đáng lẽ làm chủ hai
hào âm ở trên, nhưng ngược lại phải tùy (theo) hai hào đó. Hiểu theo cách nào
thì vẫn là: Cứ chính đáng, theo lẽ phải thì tốt. Chớ theo tình riêng, hễ theo
người ngoài, nếu họ phải, thì vẫn thành công. Thường người ta đã ở vào thời
Tùy, thường dây dướng vào vòng tư ái (tình riêng), đã tư ái thì không chính
đáng, không chính đáng làm sao tốt được. Nên nhất thiết phải đoạn tuyệt với tư
ái, tượng như ngoài cửa mà giao kết với người, thời mới có thành công. Uy Viễn
Nguyễn Công Trứ có câu thơ nói lên điều mà PBC tâm đắc về nghĩa hào này: Lúc
ghét dệt thêu ngay hóa vạy. Khi yêu tô vẽ méo nên tròn (Vạy: cong). "Đó rặt
là Tùy mà chẳng được chính. Tùy mà được chính có đến nỗi không tốt đâu"
(PBC phụ chú).
Hào 2 âm
Ràng buộc với kẻ thấp kém (nguyên văn là Tiểu tử: Con nít) mà mất kẻ
trượng phu. NHL giảng: Hào này âm nhu, không biết giữ mình, gần đâu theo đấy,
nên ràng buộc với hào 1 dương, mà bỏ mất hào 5 dương, ở trên, ứng hợp với nó.
Quẻ này, hễ là hào âm, thì lời hào không dùng chữ Theo (Tùy) mà dùng chữ Hệ
(Ràng buộc, có sách dịch là Bịn rịn, Bìu ríu) có ý cho rằng âm nhu thì vì tư
tình, hoặc lợi lộc mà quấn quýt, còn dương cương thì vì chính nghĩa mà theo.
Hào 3 âm
Ràng buộc với trượng phu, bỏ kẻ thấp kém, theo như vậy cầu xin cái gì
thì được cái đấy, nhưng phải chính đáng thì mới có lợi. NHL giảng: Hào này cũng
âm nhu như hào 2, gần đâu thân cận đấy, cho nên thân với hào 4 dương cương, có
địa vị ở trên, (tức với trượng phu) mà bỏ hào 1 (tiểu tử). Nó xin 4 cái gì cũng
được vì 4 hơi có thế lực. Nhưng Lời hào khuyên đừng xu thế trục lợi, phải giữ
tư cách chính đáng thì mới tốt.
Hào 4 dương
Theo, sẽ thu hoạch được lớn đấy, nhưng dù lẽ vẫn ngay mà cũng có thể gặp
dữ được. Cứ giữ lòng chí thành, theo đạo lý, lấy đức sáng suốt mà ứng phó thì
không có lỗi. NHL giảng: Hào này như một vị cận thần, được nguyên thủ tin cậy,
(5 và 4 cùng là hào dương cả) ở vào thời Tùy là thiên hạ theo mình, như vậy thu
hoạch được lớn (có thể hiểu là được lòng dân, hoặc lập được sự nghiệp) nhưng
chính vì vậy mà có thể gặp dữ, (chẳng hạn bị ngờ là chuyên quyền, bị vua ganh
ghét, như Nguyễn Trãi). Cho nên Lời hào khuyên giữ lòng chí thành, theo đạo lý
mà sáng suốt ứng phó (nghĩa là có đủ 3 đức tín, nhân, trí) thì mới khỏi lỗi.
PBC phụ chú: Xem sử nước ta như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn mới đương được
hào này. Khi quân Mông Cổ ba lần vào đánh nước ta, vua thời thiên đô, Thái thượng
hoàng phải chạy vào Thanh Hóa, bao nhiêu quyền quân quốc phó vào một tay Đại
vương, nhân tâm lúc bấy giờ nghi cho ngài có thể chuyên quyền cướp nước. Nhưng
ngài vẫn một lòng trung với nước, thù với giặc, đánh được quân Mông cổ xong, thời
rước vua với Thái thượng hoàng về, nước đã nguy, nhờ đại vương mà được an, vua
đã bỏ ngôi, nhờ đại vương mà được phục. Đến khi công cao hơn bốn bể, uy trấn trong
một đời, mà ngài thủy chung giữ phận nhân thần, dẫu vương phụ khuyên ngài lấy
nước, mà ngài không nghe lời, dầu vua Trần cho ngài được quyền phong tước, mà
ngài chung thân vẫn chẳng cho ai một đạo bằng. Như thế là Có niềm tin, ở đạo,
công của sự sáng (Lời Tượng hào).
Hào 5 dương
Tin ở điều lành, tốt. NHL giảng: Hào 5 dương cương, ở vị tôn, trung và
chính, lại ứng hợp với hào 2 cũng trung chính, cho nên rất tốt.
Hào 6 âm.
Ràng buộc lấy, theo mà thắt chặt lấy. Thái vương nhà Chu được lòng người
như vậy, mới lập được nghiệp vương hanh thịnh ở Tây Sơn (Kỳ Sơn). NHL giảng:
Hào này ở cuối quẻ Tùy, là được nhân tâm theo đến cùng cực, như thắt chặt với
mình, như vua Thái Vương nhà Chu (sử Trung Quốc), lánh nạn người Địch, bỏ ấp
Mân mà chạy sang đất Kỳ Sơn, người ấp Mân già trẻ trai gái dắt díu nhau theo,
đông như đi chợ. PBC phụ chú: Trong quẻ Tùy có ba hào có chữ Hệ (ràng buộc),
duy chữ hệ hào 6 âm khác với chữ hệ ở hai hào kia. Ràng buộc ở hai hào kia (2
và 3) là ràng buộc vì tư tình. Ràng buộc hào 6 là ràng buộc theo lẽ tự nhiên:
lòng dân tự nhiên theo người có đức nhân, in như nước tất nhiên chảy xuống chỗ
trũng (Lời Mạnh Tử). PBC phụ chú: Khác với nhiều quẻ, hễ đã cùng thời biến, như
hào 6 quẻ Càn rồng lên cao quá có chữ Kháng (quá cực), hào 6 quẻ Thái thịnh cực
có chữ Loạn, hào 6 quẻ Dự, vui cực có chữ Minh (tối), duy hào 6 quẻ Tùy, tùy
(theo) đến cùng lại có chữ Hanh (thịnh), đó là lẽ biến hóa trong Dịch học.
Nghĩa chữ Tùy ở đây không còn nói tùy theo hoàn cảnh nữa (như các quẻ trên) mà
chỉ nói tâm lý. Chúng ta phải biết rằng: Khi chưa Tùy phải hết sức cẩn thận lựa
kén, khi đã Tùy rồi, tất phải tự thủy chí chung. Sử đời xưa (Trung Quốc) năm
trăm nghĩa sĩ chịu chết theo Điền hoàn h mà chẳng chịu về Hán; ba vạn nghĩa dân
ở thành Kim Lăng, cam tâm chịu chết với Lý Tú Thành, không một người chịu hàng
quân Mãn Thanh, chỉ là Tùy (theo) về tâm lý, mà chẳng Tùy vì hoàn cảnh, nên Tùy
đến cùng cực mới là phải đạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét