▅▅▅▅▅
▅▅ ▅▅
▅▅ ▅▅
▅▅▅▅▅
▅▅▅▅▅
▅▅ ▅▅
Cổ là Công việc, lại có nghĩa là Đổ nát, bê bối. Tượng quẻ: dưới Núi có
Gió.
Đổ nát mà làm lại mới thì rất tốt, vượt qua sông lớn thì lợi. Ba ngày
trước ngày Giáp, ba ngày sau ngày Giáp.
NHL giảng: Quẻ này trên là Núi, dưới là Gió, gió đụng núi, quặt lại, đó
là tượng loạn, không yên, tất phải có công việc. Cũng có thể hiểu như sau: Tốn ở
dưới là thuận, mà Cấn ở trên là Ngưng chỉ (ngừng, cấm), vậy là người dưới thì
nhu, người trên thì cương (Tốn thuộc âm, mà hào 1 cũng là âm, còn Cấn thuộc
dương, mà hào trên cùng thuộc dương), đè nén người dưới, như vậy mọi sự sẽ đổ
nát, phải làm lại. Đổ nát mà làm lại thì rất nên, rất tốt (Cổ: Nguyên Hanh); phải
xông pha nguy hiểm (như vượt sông lớn), nhưng rồi sẽ có lợi.
Được quẻ này, Lời Kinh dạy phải suy nghĩ, có kế hoạch trước sau, tính
trước ngày Giáp ba ngày, sau ngày Giáp ba ngày. Ví dụ ngày Giáp bắt tay vào
công việc, thì phải nghĩ tới trước ba ngày (tức ngày Tân đồng âm với Tân là đổi
mới) coi nguyên nhân gì gây đổ nát, lại nghĩ sau ba ngày (tức ngày Đinh đồng âm
với Đinh là đinh ninh - tin chắc) để mà phòng bị cho tương lai. Làm lại mới mà
được như vậy thì rất tốt. PBC phụ chú: Thời Cổ là thời Đổ nát, rất xấu mà Lời
Kinh lại cho hai chữ Nguyên Hanh là vì sao? Xưa nay, người đời không lo việc đại
loạn mà lo không người dẹp loạn, không lo cảnh hiểm mà chỉ lo không có tài vượt
hiểm. Nếu những người trì cổ (sửa sang sự đổ nát) đó có gan lớn, có tài cao lại
có tấm lòng, có trí lo liệu, thì thời loạn chính là đường mở ra cuộc sửa đổi, cảnh
hiểm chính là lối đưa đến hòa bình. Lời Quẻ bảo qua sông lớn có lợi, lại dạy
cách lo trước ba ngày, lo sau ba ngày Giáp, thật chẳng sót tí gì. Nếu chỉ có
tài qua sông lớn, mà không có kế hoạch lo trước ba ngày, lo sau ba ngày Giáp,
hoặc có kế hoạch lo trước, lo sau mà không có gan vượt sông, thì đều không phải
là tài sửa sang đổ nát. Cổ làm gì mà nguyên hanh được. Lời Tượng: Người quân tử
coi quẻ này mà làm phấn chấn lòng dân (cổ vũ khí dân) và nuôi dưỡng tính tình.
PBC giảng: Thời Cổ, Lời Tượng bảo rằng người quân tử phải coi trọng việc cổ vũ
khí dân và nuôi dưỡng đức dân là vì: sửa sang đổ nát có rất nhiều công việc
nhưng kể việc đáng làm chẳng việc gì lớn hơn việc cổ vũ khí dân, nuôi dưỡng đức
dân, và thức tỉnh trí dân.
Hào 1 âm
Sửa sang sự đổ nát của cha, nhờ con mà cha không lỗi, nhưng cũng có thể
nguy đấy, phải biết răn sợ, sau mới tốt. NHL giảng: Hào 1 này, đổ nát chưa nhiều,
sửa sang lại cũng dễ. Nhưng nó âm nhu, trên không có ứng viện, có thể gặp cảnh
khó khăn, phải biết răn sợ, sau mới tốt. Quẻ Cổ này lấy việc trong nhà làm thí
dụ, nên nói đến cha con. PBC phụ chú: Tuy nhiên, Dịch Lý là cốt biến thông, hoặc
quốc gia, hoặc xã hội, hễ đụng vào thời đại nào, người trước đã làm ra tệ hoại
mà người sau sửa sang, thay đổi những việc cổ (đổ nát), để gây dựng được nền
canh tân, cũng có thể gọi là cáng đáng công việc đổ nát của cha. Cha là chỉ vào
những bậc tiền nhân, chẳng phải chỉ câu nệ bằng (hai chữ) cha con mà thôi.
Hào 2 dương
Sửa sang sự đổ nát của mẹ, không nên cố chấp (trinh). NHL giảng: Hào
này dương cương, đắc trung, trên ứng với hào 5 âm nhu, nên ví như con (2) với mẹ
(5). Hào 2 có tài, sửa sang được, nhưng tính cương cường, có thể xung đột với
5, cho nên Lời hào khuyên đừng cố chấp, mà phải mềm dẻo. PBC: Lời hào này
khuyên cáng đáng việc sửa sang đổ nát của mẹ, mà hoàn toàn dùng cách cương, e
có khi đến nỗi mẹ con không tương đắc, công việc sửa sang sẽ hỏng. Phải hợp với
đạo trung mới đúng. Suy rộng nghĩa ấy, chúng ta xử việc đời, cũng phải tùy thời,
tùy đất, tùy người mà liệu cách biến thông, ấy là đạo trung.
Hào 3 dương
Sửa sang sự đổ nát của cha, có chút hối hận, nhưng không có lỗi lớn.
NHL giảng: Hào này là dương lại ở ngôi vị dương, là quá cương, nóng nảy, không
hợp đạo trung, cho nên làm vài việc đáng ăn năn. Nhưng làm nổi việc, đắc chính,
nên không đến nỗi có lỗi lớn. Giống như người con trung ngôn, can gián nói thẳng
mà giữ được đạo lý cho cha.
Hào 4 âm
Kéo dài sự đổ nát của cha, nếu cứ như vậy hoài thì sẽ hối tiếc. NHL giảng:
Hào âm nhu lại ở vị âm, là người thiếu nghị lực, nhút nhát, không dám cương quyết
sửa sự đổ nát của cha, để cho nó kéo dài hoài thì xấu cho cả gia đình mà phải hối
hận. PBC phụ chú: Hào 3 vì quá cương mà có ăn năn, hào 4 vì quá nhu mà hối tiếc.
Nhưng ở vào thời Cổ, quá cương còn có vai gánh vác, quá nhu thời chỉ là một hạng
người nằm im mà thôi.
Hào 5 âm
Sửa được sự đổ nát cho cha, mà được tiếng khen. NHL giảng: Hào âm nhu, ở
ngôi chí tôn, không đủ tài sáng nghiệp, nhưng nhờ có đức trung mà ở dưới ứng với
hào 2 dương cương là người có tài, sửa sự đổ nát được, rốt cuộc thành công, cả
hai được tiếng khen. PBC: Hào này tượng như Trần Thái Tông, Lê Nhân Tông ở nước
ta, đều dùng được tôi hiền mà có danh dự.
Hào 6 dương
Không xu phụ bậc vương hầu, mà nêu cao tư cách của mình. NHL giảng: Hào
này dương cương, ở trên hào 5, như một vị hiền nhân quân tử, thanh cao, ở ngoài
mọi việc, không màng phú quý, không xu phụ vương hầu, giữ chí hướng của mình,
làm phép tắc cho thiên hạ. Quẻ này kết một cách bất ngờ: Hào trên cùng không
nói gì về sự sửa sang đổ nát cả, mà chỉ khen bậc hiền nhân treo gương danh tiết
cho thiên hạ coi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét