Thứ Ba, 12 tháng 2, 2013

1. Càn Vi Thiên



▅▅▅▅▅
▅▅▅▅▅
▅▅▅▅▅
▅▅▅▅▅
▅▅▅▅▅
▅▅▅▅▅



Càn (1): Nguyên, hanh, lợi, trinh (2)

Dịch:
Quẻ Càn tượng trưng cho trời: Nguyên thủy, hanh thông, hài hòa có lợi, trinh chính vững bền.


Chú thích:
(1) Càn - Tên quẻ, quẻ dưới, quẻ trên đều là quẻ Càn, tượng trưng cho "trời". "Thuyết quái truyện": "Càn là trời", "Càn là khỏe", tức nói tượng của quẻ Càn là "trời", nghĩa của nó là "khỏe". "Chính nghĩa": "Quẻ Càn này vốn tượng trời, trời lại tích các khí dương mà thành".

(2) Nguyên, hanh, lợi, trinh - "Chính nghĩa": "Tử Hạ truyện" nói: "Nguyên là đầu tiên; hanh là thông; lợi là hòa; trinh là chính". Nói về đức của quẻ này, có tính thuần dương, thiên nhiên có thể lấy khí dương để bắt đầu sinh ra muôn vật, như vậy nó chính là nguồn gốc và là sự hanh thông của muôn vật, có thể khiến cho tính chất của muôn vật được hài hòa, loài nào loài ấy đều được lợi, lại có thể khiến muôn vật chắc bền, trinh chính dài lâu". Án, về việc giải thích bốn chữ này, các lời chú xưa bàn cãi rất nhiều, nhưng về "Tứ đức" thì thuyết của "Tử Hạ truyện" tương đối được nhiều người đồng tình, cho nên "Chính nghĩa", "Tập giải" đều theo thuyết này. Lại nữa, nghĩa của "Tứ đức" được "Thoán truyện" và "Văn ngôn" phát triển rất tường tận, xin xem phần sau sẽ rõ.

Thuyết minh:
Tác giả "Chu Dịch" qua trực cảm, qua quan sát tự nhiên cho rằng "trời" thể hiện ra bốn đức tính là nguyên thủy, hanh thông, hài hòa có lợi, trinh chính vững bền, vì rằng nguyên tố bản chất của "trời" là khí dương sung mãn, cứng, khỏe, loại dương khí này "vận hành không nghỉ, biến hóa vô cùng", tuần hoàn đi lại theo bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, chế ước và là chủ tể của toàn bộ thế giới tự nhiên. "Thượng thị học" đưa vào thuyết của "Thái huyền kinh", lấy "bốn mùa" phối hợp với "Tứ đức" của quẻ Càn sẽ thấy rõ quy luật vận hành của khí dương. Xin xem kỹ lời "Thuyết minh" của "Thoán truyện". Vì vậy, "Chu Dịch" tán dương "trời", kỳ thực chính là tán dương đức của dương cứng.

Sơ cửu (1), tiềm long vật dụng (2).

Dịch:
Hào Chín Đầu, rồng lớn ẩn mình dưới nước, tạm thời chưa thi thố được tài năng.

Chú thích:
(1) Sơ Cửu - 64 quẻ trong "Chu Dịch", quẻ nào cũng do sáu hào làm thành, ngôi của chúng từ dưới lên trên là: hào Đầu, hào Hai, hào Ba, hào Bốn, hào Năm, hào Trên, hào này ở ngôi thứ nhất của quẻ dưới, cho nên gọi là "Đầu"; khi bói Phệ thì "Chu Dịch" lấy số chín và số sáu; chín đại biểu cho dương, sáu đại biểu cho âm, hào này là dương nên gọi là "chín". "Chính nghĩa" nói: "Ở ngôi thứ nhất, nên gọi là Đầu, nó lại là hào dương, nên gọi là "chín", theo sự sắp xếp từ dưới lên trên của sáu hào, từ đó người xưa đã tượng trưng cho sự phát triển từ thấp đến cao, từ nhỏ bé đến rõ rệt của sự vật. Cho nên "Chu Dịch Càn tạc độ" nói: "Khí "Dịch" sinh ra từ dưới, Trịnh Huyền chú: "Dịch" vốn vô hình, từ nhỏ bé đến rõ rệt, cho nên khí sinh ra từ dưới, bắt đầu từ hào dưới".

(2) Tiềm long vật dụng - tiềm, ẩn náu; hào Chín Đầu là một gạch dương ở dưới, nên nói là: "tiềm"; long, động vật khỏe mạnh thần kỳ trong thần thoại đời xưa, "Chu Dịch" lấy nó làm vật tượng trưng của sáu hào quẻ Càn. "Tập giải" dẫn lời Thẩm Dương Sĩ nói: Gọi là rồng, tức là mượn hình tượng vậy. Khí trong trời đất có thăng giáng, đạo người quân tử có "hành tàng" (Hành là ra làm làm việc cho đời, Tàng là lui về ở ẩn), rồng là loại vật có thể bay, có thể lặn, cho nên lấy rồng để ví với đức người quân vậy. Hào Chín Đầu còn tiềm phục, nên nói là "vật dụng".

Thuyết minh:
Hào thứ nhất là khởi đầu của sự vật, ngôi thấp sức yếu, cần phải nuôi cái "tinh", chứa cái "nhuệ", mục đích là để tiến thêm một bước trong sự phát triển. Vì vậy hào Chín Đầu quẻ Càn răn nên "vật dụng", thực ra là thời cơ chứa đến, tạm thời phải ẩn náu mà thôi; một ngày nào đó, tình hình cho phép, sẽ từng bước tiến lên để đạt tới bước "phi long tại thiên".

Cửu Nhị, hiện long tại điền (1) , lợi hiện đại nhân (2).

Dịch:
Hào Chín Hai, rồng lớn đã xuất hiện ở cánh đồng, lợi về sự xuất hiện đại nhân.

Chú thích:
(1) Hiện long tại điền - hiện, âm xiàn, xuất hiện, "hiện" trong "lợi hiện" ở dưới nghĩa cũng như thế; điền, là đất. "Tập giải" dẫn lời Trịnh Huyền nói: "Hào hai là đạo "đất" của Tam tài , trên đất tức là đồng ruộng, cho nên gọi là đồng ruộng vậy.

(2) Đại nhân - nói chung có hai hàm nghĩa: thứ nhất, chỉ người có đạo đức, có bản lĩnh; thứ hai, chỉ người có đạo đức, có địa vị. Ở đây lấy nghĩa thứ nhất.

Thuyết minh:

Hào Chín Hai, dương cứng tăng dần, đầu sừng bắt đầu lộ, đã tiến được một bước quan trọng, tuy còn cách xa thành công cuối cùng, nhưng ở giữa không lệch, đã có đầy đủ yếu tố thành công, cho nên có sự tán dương về "đại nhân".

Cửu Tam, quân tử chung nhật càn càn (1), tịch thích nhược (2), lệ vô cữu (3).

Dịch:
Hào Chín Ba, người quân tử suốt ngày hăng hái tự cường, đến tối vẫn còn cảnh giác thận trọng, như vậy, dù gặp nguy hiểm cũng không bị "cữu hại".

Chú thích:
(1) Quân tử chung nhật càn càn - quân tử, nghĩa gần với "đại nhân", chỉ người có đạo đức, bao giờ cũng đồng thời chỉ người có địa vị cao; chung nhật, "Chính nghĩa": "Cả ngày hôm đó", do vì hào Chín Ba ở cuối quẻ dưới, cho nên nói là: "càn càn", cũng như nói "khỏe mà lại khỏe".

(2) Thích nhược - thích, cảnh giác; nhược: trợ từ ngữ khí.

(3) Lệ vô cữu - lệ, "Quảng nhã • Thích hỗ nhất": "là nguy", cữu, "Nhĩ nhã • Thích hỗ": "là bệnh", "Thuyết văn": "là tai họa", do từ bộ Nhân bên bộ Các, "các" là rời nhau, tách nhau. "Quảng nhã • Thích hỗ tam": "là ác", "Thi • Tiểu nhã • Phạt mộc": "Không phải ta có lỗi". "Mao truyện": "Cữu là lỗi", "Thi • Tiểu nhã • Bắc sơn": "Có người lo lắng vì sợ tội", "Trịnh Tiên": "Cữu, như tội lỗi", lại như "Quảng vận": "Cữu là lỗi lầm, là sai lầm". Theo các thuyết đó thì trong "Dịch", chữ "cữu" có các nghĩa sau: "tai họa", "tội lỗi", "cữu hại". Án, "Hệ từ thượng truyện" nói: "Vô cữu là khéo sửa lỗi, tức muốn nói là sửa lỗi để không gặp phải cữu hại. Hào này ở vào chỗ giao tiếp giữa quẻ trên, quẻ dưới của quẻ Càn, thời của nó là nguy nhiều, cho nên "sớm tối phải hăng hái, cảnh giác", tu tỉnh không ngừng thì mới "vô cữu": "Tập giải" dẫn lời Cán Bảo nói: "Người quân tử vì thế phải lo sâu nghĩ xa, sáng chiều đều không được lơi lỏng, ngẩng lên thì lo sự tốt, tụ họp không theo trình tự, cúi xuống thì sợ điều đẹp, hòa hợp không đến, trở đi trở lại với đạo trời, toan tính từ trước, trở lại về sau, cho nên nói là "chung nhật càn càn". Lại nói: "Hễ là "vô cữu", thì tất mừng ở trong lo, khéo sửa lỗi vậy".

Thuyết minh:

Các hào của quẻ Càn đều gọi là "rồng", duy có hào Chín Ba thì nói là "quân tử". "Tập giải" dẫn lời Trịnh Huyền nói: "Hào Ba trong Tam tài là đạo người, có đức Càn mà ở đạo người, đó là tượng người quân tử". Tuy nhiên, "Chu Dịch" là "tùy ở nghĩa, ở việc của nó mà thủ tượng", tức vận dụng linh hoạt các loại vật tượng trưng để biểu thị ý nghĩa tượng trưng. Trong lời đoán của quẻ Càn, "rồng" là vật dương cứng, "quân tử" là người khỏe mạnh, xét về góc độ tượng trưng thì chỉ khí chất cứng mạnh, không mệt mỏi. Vương Bật nêu lên rằng: Các hào khác đều nói về rồng, còn hào Chín Ba thì riêng nói về người quân tử, vì sao vậy? Vì "Dịch" là tượng vậy; tượng mà có là do ở nghĩa mà ra. Có nghĩa đó, sẽ rõ mọi điều về vật đó". Nói chung thể của quẻ Càn đều là rồng; nói riêng thì là tùy ở nghĩa ở mỗi vật". ("Vương Chú")

Cửu Tứ, hoặc (1) dược tại uyên, vô cữu.
Dịch:
Hào Chín Bốn, hoặc bay vượt lên trước, hoặc lui lại nằm trong vực, tất không "cữu hại".

Chú thích:
(1) Hoặc - ở đây dùng như phó từ, biểu thị ý không xác định, "Càn Văn ngôn": "Hoặc có nghĩa là nghi". "Chính nghĩa": "Nói hào Chín Bốn dương khí tiến dần, như con rồng muốn bay mà còn nghi hoặc". Nhưng "nghi" ở đây không phải là do nghi ngại không quyết, mà là xem xét thời thế, đợi thời mà thắng tiến. Án, câu này tỉnh lược chủ ngữ "rồng".

Thuyết minh:
Hào Ba, hào Bốn của "Chu Dịch" đều ở địa vị tương đối khó xử: Hào Ba tuy ở trên quẻ dưới, nhưng chưa lên tới quẻ Trên; hào Bốn tuy đã tiến lên quẻ Trên, nhưng lại ở dưới quẻ Trên. Hai vị trí này nếu xử lí không thỏa đáng thì sẽ bị dưới đánh, sẽ bị trên ép, cho nên "Hệ từ hạ truyện" nêu rằng "hào Ba nhiều hung", "hào Bốn lắm sợ". Mà hào Chín Ba quẻ Càn được nói là: "chung nhật càn càn, tịch thích nhược", còn hào Chín Bốn lại được nói là: "hoặc dược tại uyên", đều là nhằm đúng vị thế khó khăn của nó mà nói vậy. Đây là một đặc điểm quan trọng về ngôi hào trong "Chu Dịch".

Cửu Ngũ, phi long tại thiên, lợi hiện đại nhân (1).

Dịch:
Hào Chín Năm, rồng lớn bay cao trên trời, lợi về sự xuất hiện đại nhân.

Chú thích:
(1) Đại nhân - xem nghĩa thứ hai của chú thích trên, chỉ người có đạo đức mà địa vị cao, có khác với "đại nhân" ở hào Chín Hai. "Tập giải" dẫn lời Trịnh Huyền nói: "Hào Năm là đạo trời trong Tam tài. Trời thì trong sáng vô hình mà rồng ở đó, là tượng của sự bay nhảy". "Chính nghĩa": "Nói là hào Chín Năm dương khí bốc lên tận trời, cho nên nói rồng bay trên trời, đây là tượng tự nhiên, cũng như thánh nhân có long đức, bay bổng mà ở ngôi trời, đức khắp thiên hạ, được vạn vật chiêm ngưng, cho nên thiên hạ lợi được thấy vị đại nhân ở ngôi vương này".

Thuyết minh:
Hào Năm ở giữa quẻ trên, bao giờ cũng là hào tốt nhất của mỗi quẻ, thuyết xưa đều gọi hào này là "ngôi vua"; trên thực tế, phần lớn nó tượng trưng cho tình hình sự vật đã phát triển đến giai đoạn hết sức hoàn mĩ.

Thượng cửu, cang (1) long hữu hối (2).

Dịch:
Hào Chín Trên, rồng lớn bay cao đến cùng cực, cuối cùng sẽ có sự hối hận.

Chú thích:
(1) Cang - âm kãng, quá mức, cực độ. "Tập giải" dẫn lời Vương Túc nói: "Cao đến cùng cực là "cang". Chỗ này hình dung rồng bay đến nơi cùng cực.

(2) Hối - hối hận. Án, "Hệ từ thượng truyện" nói: "Hối tiếc là tượng sự lo ngại", "Chính nghĩa": "Hối là việc đã sai, có sự hối hận". Hào Chín Trên ở cuối quẻ Càn, dương tiến đến cùng cực, sẽ đưa đến sự tai hại, cho nên "hữu hối". "Tập giải" dẫn lời Vương Túc nói: "Biết tiến quên lùi, cho nên hối".

Thuyết minh:
Sự vật phát triển, thịnh cực tất suy, hào Sáu trong "Chu Dịch" phần nhiều ngụ triết lý này. Hào Chín Trên quẻ Càn, "cang long" bay cao cùng cực, thế tất phải gặp phải sự vấp váp. Chu Hi nói: "Khi cực thịnh, cần lo tới sự bay quá cao của nó. Nếu được như thế là đúng nhất, ý nghĩa của "Dịch", nói chung là khi cực thịnh thì cần răn giới." ("Chu Tử ngữ lục").

Dụng cửu (1) hiện quẩn long vô thủ, cát (2).

Dịch:
Dùng số chín, xuất hiện một bầy rồng, đều không có đầu, tốt lành.

Chú thích:
(1) Dng cu - ở đây chỉ rõ một đặc điểm của triết học "Chu Dịch" là lấy "biến" làm chủ. Trong quá trình bói Phệ "Dịch", hễ bói được hào dương thì số của nó là "bảy" hoặc "chín", "chín" có thể biến, "bảy" không biến, cho nên nguyên tắc của Phệ pháp "Chu Dịch" là hào dương dùng "chín", không dùng "bảy", ý tức như thế là bói được "hào biến"; nếu khi bói được sáu hào đều "chín" cả thì lời đoán "dụng cửu" là lời bói. "Bản nghĩa": "Dụng cửu", là nói hễ bói được hào dương thì đều dùng chín mà không dùng bảy, đó là thông lệ của 192 hào dương trong các quẻ, như thế quẻ đó toàn là dương ở đầu, ta theo vậy mà tính. Do đó mà thánh nhân ghi thành lời đoán để cho nếu gặp sáu hào, quẻ đó đều biến cả thì cứ thế mà bói".

(2) Hiện quần long vô thủ, cát - quần long, chỉ sáu hào đều là hào dương, mà sáu hào đều biến, đều từ dương cứng biến thành âm mềm, cho nên thấy tượng là bầy rồng không có đầu. "Thượng thị học": "Hiện quần long vô thủ, cát" có nghĩa là "chín" thì biến, chín vì sao mà tất phải biến? Chín là số dương, có nghĩa là rất nhiều, nên nói là "bầy"; dương đến cùng cực tất trở thành âm, đó là cái lí tự nhiên trong trời đất. Càn là đầu, là dương cứng, mà ở đầu vật, sẽ kị với vật, do đó Càn biến ra Khôn, như vậy thì là không đầu, không đầu tức là đã từ cứng trở thành mềm, bởi thế nên "cát".

Thuyết minh:
Tác giả "Chu Dịch" nhấn mạnh chữ "khiêm", cho rằng càng cứng khỏe, càng có địa vị, càng phải không ở trước mọi vật. "Hiện quần long vô thử", chính là thể hiện tư tưởng này. Vương Bật giải thích "dụng cửu" và nêu rằng: "Sự cứng khỏe mà ở trên đầu người ta, đó là điều mà ta không nên làm ("Vương Chú"), đây là sự ứng dụng trực tiếp quan điểm của Lão Tử: "Ta sau người mà thành ra trước người" và "Cao sang lấy thấp hèn làm gốc". Như vậy là hợp với cái lý của "Dịch" và phù hợp vói cách nói của "Tượng truyện" là "đức của trời không thể nào đầu được".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét