Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

CHỚ ÔM CHÂN CẦU MÀ ĐỢI

Đọc báo biết những chuyện bà con mình bị lừa đảo mà sốt ruột. Thấy người vay nợ với lãi suất cao có nhà cửa đàng hoàng, tiền tiêu vung vãi, tưởng bở, vơ vét của cải bán tống bán tháo cho vay.

Yên tâm cho vay, vì đã thấy (nghe đồn nữa) có người được trả lãi rung rinh. Ai ngờ một đêm kia nó ôm của chạy biến, té ngửa kêu trời, hàng trăm nhà tay trắng, mất không hàng chục tỉ đồng với nó. Tự hỏi, sao bà con mình dễ tin người thế nhỉ?

Đọc Dịch thấy có quẻ Phong Trạch Trung Phu nói về niềm tin. Tượng quẻ là Gió trên đầm (Phong là gió, Trạch là đầm, hồ, trong Nam còn gọi chằm). Gió lướt làm động mặt hồ, gió cảm động được nước hồ, như lòng thành thực, cảm động được người, tạo ra niềm tin. Trung Phu là niềm tin thành thực trong lòng.

Lời quẻ có câu: "Trong lòng có đức tin tới mức cảm được heo và cá, tốt như vậy thì lội qua sông lớn được, giữ đạo chính thì lợi". Đức tin trong lòng ghê gớm thế, đến con heo con cá cũng cảm được, có đức tin ấy thì sóng gió nào chả vượt qua (lội qua sông lớn), nhưng đức tin ấy phải giữ được đạo chính thì mới có lợi (lợi trinh). Bởi vì kẻ đạo tặc, kẻ dâm loạn, chúng cũng tin nhau lắm chứ. Cái tin ấy chỉ dẫn tới ác càng ác thêm.

Về chuyện bị lừa đảo trên kia, hào 1 quẻ Trung Phu đã dạy rồi. "Đắn đo (cân nhắc) kỹ rồi hãy tin". Tục ngữ ta cũng có câu ứng với hào này: "Nhẹ dạ cả tin". Trong thời này, kẻ lừa cũng lắm chiêu hiện đại, khiến các đại gia "nặng dạ" mà cũng bị lừa. Như “sếp” công ty Bắc Hà dùng viên ngọc trị giá hàng tỉ đô-la để khoe mình giàu, lại dùng giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, cùng những chứng thư ủy quyền (giả), bảo lãnh tài chính của những ngân hàng lớn trên thế giới, chứng minh cho quyền lực tài chính của mình, đã dẫn dụ nhiều công ty vào tròng, ký kết hợp đồng chiếm dự án này, dự án khác, thế chấp những tài sản lớn (hàng trăm tỉ đồng) làm vốn đối ứng. Dự án mãi chả thấy đâu, tài sản thế chấp thì vào tay "sếp", liền được đem thế chấp lần nữa rút tiền ngân hàng bỏ túi.

Bí quyết niềm tin này chỉ có một chữ Ngu (ngu ở đây là đắn đo, cân nhắc, đồng âm với ngu là dốt). Đắn đo ở đây là xem xét cái lòng thành. Quyết định ký kết hình thành trong các cuộc tiệc lớn, thì làm sao xem xét được lòng thành? 


Hào 4 có câu rất hay: "Trăng gần đến rằm, con ngựa bỏ bạn mà tiến lên, không lỗi". Trăng gần đến rằm là thời cơ đã sáng lên, nhưng chưa tới lúc trọn vẹn. Đàn ngựa đang phi nhanh, có con vượt lên, mục tiêu còn phía trước, bỏ bạn không đành, nhưng không thể chậm, bèn quyết tiến lên. Tiến lên với niềm tin thánh thiện, dưới ánh sáng đêm gần đến rằm. Tiến lên thế không lỗi.

Tôi có ông bạn là giáo sư, đứng đầu một Viện khoa học, thấy trong Viện có tín hiệu bất an, bắt nguồn từ những việc ngoài quyền lực của mình, đã từ chức, xin ra khỏi Viện, để tiếp tục công việc nghiên cứu của mình. Mọi người khuyên can, ông không nghe. Con ngựa bỏ bạn tiến lên! Ông "phi nhanh" trên con đường đi tìm chân lý, trở thành một người có uy tín trong khám phá khoa học.

Quẻ Trung Phu dành hào 6 để nói về một loại niềm tin, chỉ có tiếng vang mà không có thực. Lời hào bảo rằng: "Nghe tiếng chim trên trời (mà không thấy hình), cố chấp thì xấu". Chim đây là loại chim gà không bay cao được, nhưng tiếng thì lên đến trời, chả có gì đáng tin, thế mà vẫn tin, chả hay ho gì. Tin, dù có lòng thành, nhưng phải biến thông. Người xưa kể chuyện, có anh chàng họ Vị có tiếng là có lòng tin, hẹn ước với người con gái, chờ nhau ở dưới chân cầu. Người con gái không tới. Chàng Vị cứ ôm chân cầu mà đợi, nửa đêm nước lên, cuốn chết. Tin thế là ngu (ngu tín).

Tôi có ông bạn là Cao Văn Tuế, vừa làm nghề cắt tóc vừa viết văn. Ông là tác giả của hàng ngàn câu châm ngôn. Ông có câu châm ngôn rất hay: "Chớ đóng đinh niềm tin vào thân gỗ mục". Chính là câu ứng với hào 6 quẻ Trung Phu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét