▅▅▅▅▅
▅▅▅▅▅
▅▅▅▅▅
▅▅▅▅▅
▅▅ ▅▅
▅▅▅▅▅
NHL giảng: Ly ở dưới là Lửa, sáng, văn minh; Càn ở trên là Trời. Quẻ
này có tượng lửa bốc lên cao tới trời, cùng soi sáng khắp thế giới. Cho nên tốt.
Dù có hiểm trở gì cũng vượt được. (PBC bảo đó "chính là cảnh tượng đại đồng
rất vui vẻ"). Muốn vậy phải có đức trung chính của người quân tử. Quẻ có
Hào 2 ở quẻ nội Ly là hào âm độc nhất, quan trọng nhất trong 6 hào, âm nhu, đắc
chính, đắc trung, ứng hợp với hào 5 dương cương, cũng đắc chính, đắc trung, đó
là tượng nội ngoại tương đồng, nên gọi là Đồng nhân. Văn minh (Ly) ở trong,
Cương kiện (Càn) ở ngoài, đó là tượng người quân tử thông suốt được tâm trí của
thiên hạ. Theo Lời Tượng, Người quân tử muốn thực hiện được cảnh tượng mọi vật
đều sống chung với nhau thì phải phân biệt từng loại của các chủng tộc, hễ cùng
loại thì đặt chung với nhau để cho mỗi vật được phát triển năng lực sở trường,
thoả được nguyện vọng, có vậy thì tuy bất đồng mà hòa đồng được. PBC chi rõ
thêm: Thánh nhân sợ chúng ta chỉ xem mặt chữ đồng, mà nhận lầm nghĩa chữ đồng,
toan ép uổng những bọn bất đồng lại, làm cho đồng, té ra thả cá lên rừng, đưa
chim xuống nước, mời học trò ra cày ruộng, rước phu cày ra làm bài, thời thành
nhiễu loạn thiên hạ, có làm gì đồng nhân được đâu. Theo Trình Di, quẻ này còn
có lợi về sự sang sông lớn (vượt hiểm trở). Đức quẻ là văn vẻ sáng sủa và mạnh,
lấy đạo trung chính ứng nhau làm chính đạo của người quân tử.
Hào 1 dương
Ra khỏi cửa để cùng chung với người
thì không có lỗi. NHL giảng: Hào dương này như người quân tử mới bắt đầu ra
đời, đã muốn đồng (cùng chung) với người khác, thì có gì đáng trách đâu? Trình
Di phân tích lời Tượng: Ra cửa cùng người ở ngoài, đó là sự cùng đã rộng, không
có thiên tư. Người ta cùng nhau thường có hậu bạc, thân sơ khác nhau, tội lỗi
do đó mà ra. Đã không bè đảng thiên lệch với ai, thì còn ai trách được nữa?
Hào 2 âm
Cùng người trong họ, trong tông
phái, xấu hổ. NHL giảng: Hào này tuy đắc trung, đắc chính, nhưng ở vào thời
Đồng nhân nên cùng chung với mọi người, mà lại chỉ ứng hợp với riêng hào 5 ở
trên, như chỉ cùng chung với người trong họ, trong đảng phái của mình thôi, thế
là hẹp hòi, đáng xấu hổ. Theo Trình Di: Hào 5 ở quẻ Đồng nhân không tượng cho bậc
nguyên thủ. Bởi vì gần gũi riêng tây thì không phải đạo làm vua. Cho nên các quẻ
lấy sự trung chính ứng nhau làm hay, mà ở quẻ Đồng nhân thì là đáng tiếc. PBC
phụ chú: Trên toàn quẻ thì đức Văn Vương phát minh nghĩa Đại đồng, nói rằng
Cùng người rộng lớn, tốt; còn lời, nghĩa cho từng hào thì lại răn bảo những người
làm cách Tiểu đồng (trái với đại đồng) nói rằng Cùng người trong tông phái, thẹn.
Nghĩa quẻ, nghĩa hào đắp đổi cho nhau, chúng ta học Dịch phải nhận kỹ cả hai
bên.
Hào 3 dương
Núp quân ở rừng rậm (mà thập
thò); lên gò cao, ba năm chẳng hưng vượng
được. NHL giảng: Hào này muốn hợp với hào 2 (âm) ở dưới, nhưng nó quá cương
(dương ở ngôi dương) lại bất đắc trung, như một kẻ cường bạo, trong khi đó, 2
đã ứng hợp với 5 ở trên, 3 sợ 5 mạnh nên không dám công kích 2, chỉ núp trong rừng,
rình trộm, rồi thập thò lên đồi cao mà ngó (3 ở trên cùng quẻ nội, nên có tượng
như vậy), do đó ba năm cũng không tiến (hưng vượng) lên được. PBC phụ chú: Lời
hào này miêu tả tình trạng kẻ tiểu nhân thiệt là đúng. Muốn tranh người mà lại
lo sức mình địch không nổi. Biết sức mình địch không nổi, nhưng vẫn cứ lo rình
cướp người. Ở trong quẻ Đồng nhân mà có lời hào này, chúng ta nên biết rằng:
làm đồng nhân thiệt là khó.
Hào 4 dương
Cưỡi lên tường đất rồi mà không
dám đánh, thế thì tốt. NHL giảng: Hào này cũng là dương cương, bất trung, bất
chính, cũng muốn hợp với hào 2, chèn ép 3 mà cướp 2, (hào 3 ở giữa 2 và 4 cũng
như bức tường ngăn cách 2 và 4, 4 ở trên 3 như đã cưỡi lên bức tường đó), nhưng
tuy cương mà ở vị âm, còn có chút nhu (mềm) nên nghĩ lại, không thể chèn ép 3
được, như vậy không nên, cho nên lời hào bảo "thế thì tốt" (do biết
trở lại phép tắc). PBC phụ chú: Xem truyện Tàu, người nước Tấn lấy binh lực nạp
tên Tiệp Tri về nước Trâu, ép nước Trâu lập Tiệp Tri làm vua, nhưng vì nghĩa
con thứ không thể đoạt được, phải chịu lui mà chẳng nạp (chính là ứng nghiệm với
hào này).
Hào 5 dương
Cùng với người, trước thì kêu
rêu, sau thì cười; phải dùng đại quân đánh, rồi mới gặp nhau. NHL giảng:
Hào này dương cương, trung, chính, ứng hợp với hào 2, thật là đồng tâm, đồng đức,
tốt. Nhưng giữa 5 và 2 còn có hai hào 3 và 4 ngăn cản, dèm pha, phá rối, nên mới
đầu phải kêu rêu (hô hào), phải dùng đại quân dẹp 3 và 4, rồi 2 va 5 mới gặp
nhau mà vui cười. Công việc hòa đồng nào mới đầu cũng phải vượt qua những thử
thách như vậy.
Hào 6 dương
Cùng với người ở cánh đồng ngoài
đô thành, không hối hận. NHL giảng: Cánh đồng ngoài đô thành thì không rộng
bằng cánh đồng ở thôn quê. Hào này tuy ở cuối quẻ Đồng nhân, không có hào nào ứng
với nó, cho nên chí hướng chưa được thực hiện như mong muốn, chỉ mới như cùng với
người ở cánh đồng ngoài đô thành thôi, chưa ở giữa đồng nội rộng lớn được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét